video mạng phần cứng
Bìa và lời chú bản Gia phả họ Ngô Đáp Cầu do cụ NGÔ TRỌNG TỐ biên soạn năm 1877

Xin ý kiến về bản thảo "Ký sự nhà thờ họ Ngô Đáp Cầu (tiếp theo)"

 THƯ XIN Ý KIẾN

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2021

 Kính gửi: Các ông bà trong họ.

          Tôi là Ngô Mạnh Thường được Ban biên tập giao cho nhiệm vụ soạn thảo “Ký sự nhà thờ họ Ngô Đáp Cầu” (tiếp theo), đến nay đã soạn thảo xong.

          Xin kính gửi đến các ông bà để xin ý kiến đóng góp cho bản lịch sử được đầy đủ, chuẩn xác.

          Các ý kiến đóng góp xin được gửi về địa chỉ email: hongodapcaubacninh@yahoo.com hoặc Ngô Mạnh Thường, địa chỉ: Số 156, phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

          Xin trân trọng cảm ơn.

          Kính bút  

 Ngô Mạnh Thường


BẢN THẢO
KÝ SỰ NHÀ THỜ HỌ NGÔ ĐÁP CẦU
(tiếp theo)
 
    Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cả nước thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Nhà thờ họ ta nhờ có cụ Ngô Thế Chức (Đ10-N1) - Trưởng họ khéo léo điều đình nên không bị phá nhưng phải dỡ mái, đục tường. Các hoành phi câu đối, đồ tế khi phải chạy tản cư. Năm 1947 quân Pháp quây bắt những người tản cư về Đáp Cầu. Bà Ngô Thị Thơm (Đ11-N1) con gái cụ Trưởng Chức bỏ tiền ra giao cho em trai là ông Ngô Thế Khải (Đ11-N1) và em họ là Ngô Thế Lực (Đ11-N12) đứng ra trông nom việc tu bổ nhà thờ.
    Thời Pháp thuộc nhà thờ hay bị quân Pháp đóng trên núi Đáp Cầu đến quấy phá. Cụ Trưởng Chức và bà Ngô Thị Thơm giỏi tiếng Pháp khi thì cứng rắn, lúc thì mềm dẻo tiếp đón đàm phán với sĩ quan Pháp giữ được nhà thờ không bị dỡ bỏ, tồn tại tới ngày nay.
     Trước đây ngành trưởng đứng tên thổ trạch nhà thờ. Đến đời cụ Trưởng Chức đã sang tên chung cho họ.
     Nhà thờ họ hiện nay trước đây là nhà thờ đại tông. Các cụ Tổ chi Ất được thờ tại nhà thờ chi Ất ở xóm Điếm Lim. Nhà thờ này phải tiêu thổ kháng chiến không còn. Ngành trưởng chi Ất lại ở Hà Nội nên việc thờ cúng không được duy trì đầy đủ. Tại ngày giỗ Tổ vào Chủ Nhật ngày 18 tháng 3 năm 1962 (13 tháng 2 Nhâm Dần) cả họ nhất trí rước linh vị các cụ Tổ chi Ất lên nhà thờ đại tông. Việc làm này có ý nghĩa lễ thông vu tôn, đoàn kết thống nhất trong cả họ.
     Nhân kỷ niệm 110 năm ngày xây dựng nhà thờ (1884-1994) họ đã tiến hành trùng tu nhà thờ do ông Ngô Tuyền Lâm (Đ11-N12) - Trưởng ban đại diện họ chủ trì, gồm các công việc:
          1. Thay toàn bộ xà gồ cầu phong mái nhà chính bằng gỗ lim, lợp lại và bổ sung mái nhà thờ bằng ngói mũi.
         2. Chống dột 3 gian trần: Đập bỏ kết cấu cũ bằng gạch do quá cũ bị thấm dột. Đổ bê tông cốt thép chống thấm mới dày 05 cm, lát hai lớp gạch chống nóng.
          3. Đập bỏ toàn bộ lớp vữa phía trong nhà thờ do bị phồng rộp. Trát lại bằng vữa xi măng cát vàng.
          4. Đắp mới 2 con rồng chầu mặt nguyệt, 2 quả dành dành.
          5. Lắp đặt lại toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng và quạt điện.
          Toàn bộ chi phí hết 15,150,000 đồng.
     Về sau hàng năm họ ta tiến hành tu bổ tiếp theo như: Xây lại cổng nhà thờ, xây mới bậc lên xuống và tường hoa trước cổng, lát lại gạch sân nhà thờ, sửa chữa hai nhà giải vũ, mở lại cổng sau nhà thờ.
     Hai nhà giải vũ qua 2 cuộc chiến tranh đã xuống cấp. Để kỷ niệm 130 năm ngày xây dựng nhà thờ (1884-2014) họ đã tiến hành dỡ bỏ nhà cũ xây mới lại: Tường gạch 220, kèo xà gồ cầu phong bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi. Công việc được tiến hành từ tháng 12 năm 2012 đến tháng 4 năm 2013 hoàn thành dưới sự chủ trì của ông Ngô Thế Hùng (Đ12-N9) - Trưởng ban đại diện họ. Kinh phí tu bổ hết 200,030,000 đồng.
      Kinh phí thực hiện các đợt trùng tu đều do bà con trong họ đóng góp hàng năm và theo đợt.  
      Năm 2013 tỉnh Bắc Ninh đã liệt kê nhà thờ họ Ngô Đáp Cầu là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh.
                                                                                                                              BAN BIÊN TẬP