video mạng phần cứng
Bìa và lời chú bản Gia phả họ Ngô Đáp Cầu do cụ NGÔ TRỌNG TỐ biên soạn năm 1877

Lời giới thiệu của Cụ Ngô Thế Nhài viết năm 1975-1976

N

ghiên cứu tập gia phả viết bằng chữ Nho và bản lược dịch ra Quốc văn của ông Ngô Thế Loan, cháu đời thứ mười hai, đồng thời kết hợp với những câu chuyện truyền miệng của các bậc cha chú từ trước tới nay cho biết rằng:
Cụ Thuỷ tổ họ Ngô ta xưa kia xuất thân ở Bồ Châu (Thanh Hoá) ra sinh cơ lập nghiệp tại Đáp Cầu ngay từ khi mới thành lập nên làng.
Việc thành lập làng Đáp Cầu là do cụ Tiến sỹ Trần Bá Linh [1], gốc người làng Thị Cầu đứng lên khởi xướng và xây dựng từ thời Hậu Lê, tính đến nay (1980) vào khoảng bốn trăm năm.
Nói về họ Ngô ta thì Gia phả đã thất lạc, còn như quyển Gia phả chữ Nho hiện nay là do mãi đến năm Minh Mệnh 11 (Canh Dần – 1830) ông Lục khoa Tú tài Thế Mẫn (đời thứ 8) nhân khi nhàn rỗi ngồi nói chuyện hầu ông nội là Lục Thế tổ Chi ất, cụ Trọng Thích kể cho nghe gốc tích mấy đời từ trước do ông cha truyền lại và mấy đời sau mà chính cụ được biết. Ông Thế Mẫn bèn theo đó mà ghi chép được năm đời, tức là tự cụ Thuỷ tổ Phúc Khánh đến cụ Ngũ Thế tổ Phúc Thuật, vì thế cho nên sự ghi chép chỉ đơn giản không được chi tiết rõ ràng lắm.
Sau này con cháu phát triển ngày càng đông, và căn cứ vào hai cụ Lục Thế tổ (đời thứ 6) là cụ Trọng Quỳ, con trưởng cụ Ngũ Thế tổ Thế Khuông, làm Tổ phân chi của chi Giáp và cụ Trọng Thích, con thứ, làm Tổ phân chi của chi ất, đấy là cơ sở hình thành hai chi Giáp và chi Ất của họ Ngô ta.
Đến mùa thu năm Đinh Sửu (1877) ông Cử nhân Trọng Tố (đời thứ 8), Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang), lại soạn tiếp vào Gia phả của chi ất được ba đời nữa tức từ cụ Trọng Thích (đời thứ 6) tổ phân chi của chi ất đến cụ Thế Mẫn (đời thứ 8). Trong ba đời này, ông Trọng Tố ghi chép được đầy đủ có chi tiết cụ thể hơn.
Với những tài liệu trên và tìm hiểu thêm về tình hình phát triển của họ ta từ xưa đến nay và xuất phát từ hai cụ Lục Thế tổ, Tổ phân chi của hai chi mà nghiên cứu phân tích.
Cụ Lục Thế tổ, Tổ phân chi của chi Giáp chỉ sinh hạ được một cụ Thất Thế tổ. Kế đó, cụ Thất này bà vợ cả sinh được năm con trai hình thành năm ngành, đồng thời cụ có bà vợ bé ở làng Thống sinh được một con trai hình thành một ngành nữa, thế là chi Giáp có sáu ngành.
Cụ Lục Thế tổ, Tổ phân chi của chi ất bà vợ cả cũng sinh hạ được một con trai là cụ Thất Thế tổ và cụ Thất cũng lại sinh được năm con trai nên cũng hình thành năm ngành. Nhưng cụ Thất này còn có hai em trai là anh em cùng cha khác mẹ, tức là con của bà vợ bé cụ Lục Thế tổ.
Hai cụ Thất này (con vợ bé) cũng mỗi cụ có một con trai (đời thứ 8) nên lại hình thành hai ngành nữa vị chi là bẩy ngành.
Tóm lại, họ ta có hai chi vì có hai cụ Lục Thế tổ (hai anh em ruột). Qua đời thứ bẩy (các cụ Thất thế tổ) có 13 cụ Bát Thế tổ (đời thứ 8) tức là các cháu của hai cụ Lục Thế tổ do đó mà thành 13 ngành.
Muốn cho hiểu biết được tường tận xin đọc trong nội tâm tập Gia phả và xem bản sơ đồ kèm theo.
Họ Ngô ta, tính từ cụ Thuỷ tổ nối tiếp đến nay đã được 15 đời con cháu chắt của Tổ tiên thật là đông đúc kể có hàng nghìn người mà thực tế người trong họ chưa biết được hết nhau, thậm chí có khi ở trong cùng một ngành mà cũng chưa nắm vững.
Nay được sự động viên của mấy cụ trong họ nhất là có sự cộng tác của cụ Thế Loan, tôi cũng mạnh dạn tìm hiểu về sự phát triển của họ ta, hệ thống lại từng chi, từng ngành và từng gia đình để góp phần làm cho sự hình thành của họ thêm sáng tỏ và cũng là để tưởng niệm đến Tổ tiên.
Để tranh thủ thời gian, trong tập gia phả này, tôi mới hệ thống lại được đến đời thứ 12. Trong khi ghi chép, do sự hiểu biết có hạn của bản thân, nên có gia đình có cụ có ông mới chỉ nêu lên được những nét đại cương, thiếu sâu sát cụ thể, đề nghị trong họ thông cảm.
Tôi cũng mong rằng các cụ, các bậc gia trưởng trong họ lưu ý bổ sung thêm với mục đích làm cho sự nghiệp của Tổ tiên ta được sáng tỏ và phong phú hơn.
Non thành đá vẫn trơ trơ
Dòng sông Như Nguyệt lững lờ cứ trôi
Bâng khuâng ngẫm nghĩ chuyện đời
Ông Cha bao thủa ai người nhớ quên.
 

Viết tại Hà Nội đầu Thu năm Ất Mão (1975)
xong Mùa Thu năm Bính Thìn (1976)
Cháu đời thứ mười một Ngô Thế Nhài tự Phúc Trân

 


[1] Theo cuốn Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam (Nxb. Văn hoá Thông tin, 2002) trang 929 có ghi: Trần Bá Linh, người xã Thị Cầu, huyện Võ Ninh. Đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3, đời Lê Thái Tông (1442). Dưới đời Lê Thánh Tông, ông được thăng chức Thẩm hình viện, Tư đông các dân bạ tịch. (BBT)