video mạng phần cứng
Bìa và lời chú bản Gia phả họ Ngô Đáp Cầu do cụ NGÔ TRỌNG TỐ biên soạn năm 1877

Bài viết về Ông Ngô Thế Loan và Viện Dân biểu Bắc Kỳ

 Ngày 10 tháng 4 năm 1926 Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne đã ban hành Nghị định về việc thành lập tại Bắc Kỳ Viện Nhân dân đại biểu (nguyên văn tên trong bản nghị định bằng tiếng Pháp là Chambre des représentants du peuple, thường được gọi tắt là Viện Dân biểu Bắc Kỳ). Theo Nghị định trên thì Viện Dân biều Bắc Kỳ là đại diện của dân bản xứ Bắc Kỳ có chức năng “góp ý kiến cho Chính quyền về các vấn đề chung của dân chúng Bắc Kỳ”. Tiền thân của Viện là Uỷ ban tư vấn Bắc Kỳ (Chambre consultative du Tonkin) có từ năm 1913. Các ủy viên của Viện Dân biểu Bắc Kỳ là người Việt, được gọi là Đại biểu Nhân dân và thường hay gọi tắt là nghị viên. Đa số nghị viên là tư sản dân tộc, địa chủ và trí thức. Các nghị viên do các cử tri là đại diện của những người đóng thuế thân, những thương nhân người Việt có đóng thuế môn bài và đại diện các tỉnh miền trung du, thượng du bầu ra. Nhiệm kỳ của nghị viên là 4 năm. Tuy nhiên, nếu thấy cần, Thống sứ Bắc Kỳ có thể đề nghị Toàn quyền Đông Dương giải tán Viện. Ở Trung Kỳ và Nam Kỳ cũng có tổ chức tương tự là Viện Dân biểu Trung Kỳ và Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ.

Thực chất của việc chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương cho thành lập các tổ chức này là nhằm xoa dịu dân chúng khi mà cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ đang lan rộng khắp nước ta và cũng để hỗ trợ phần nào cho chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai trên toàn cõi Đông Dương.

Tuy nhiên, có những tổ chức, cá nhân người Việt, đã biết tận dụng sự “nới lỏng” này của chính quyền thực dân Pháp, để có thể đưa ra những yêu sách có lợi cho dân chúng. Ngay từ năm 1926, các nhân sĩ yêu nước đã tham gia và thắng cử trong cuộc bầu cử đầu tiên của Viện Dân biểu Trung Kỳ và Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm Viện trưởng. Trong Phong trào Mặt trận dân chủ những năm 1936-1939, tranh thủ mọi hình thức hoạt động công khai, Đảng cộng sản Đông Dương đã đưa nhiều cán bộ của Đảng tranh cử vào các Viện dân biểu như Trịnh Văn Phú (1/1937), Khuất Duy Tiến (7/1938) và đã giành thắng lợi lớn.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Vua Bảo Đại đã ra đạo dụ ngày 26/5/1945, bãi bỏ các cơ quan như Viện Dân biểu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Hội đồng Quản hạt ở Nam Kỳ.

Dưới đây, qua bản Tờ trình về công việc của Ông Ngô Thế Loan, nghị viên tỉnh Bắc Ninh, khoá 1930-1934 khi sắp hết nhiệm kỳ, chúng tôi xin tóm lược một số việc của các nghị viên và vài nét về Viện Dân biểu Bắc Kỳ thời kỳ đó.

*

Ông Ngô Thế Loan năm 1922

Với tư cách là nghị viên tỉnh Bắc Ninh, ông Ngô Thế Loan có thể trực tiếp đề nghị với Công sứ tỉnh Bắc Ninh về những công việc trong tỉnh và “thỉnh cầu” với Thống sứ Bắc Kỳ.

Một số công việc liên quan tới tỉnh Bắc Ninh như :

- Trực tiếp đưa Công sứ tỉnh Bắc Ninh và Kỹ sư công chính kiểm tra đường xá ở Đáp Cầu, nơi phải chịu nhiều thuế thổ trạch và môn bài nhất tỉnh Bắc Ninh và đề nghị với Công sứ cho sửa chữa và lát đá đường xá ở Đáp Cầu và Thị Cầu vào tháng 5/1931.

- Năm 1932, giá gạo hạ, bán không chạy, có nơi giá gạo bán còn rẻ hơn chi phí bỏ ra. Ông Loan cùng nghị viên Vũ Văn An đề nghị với Thống sứ Bắc Kỳ cho dân nộp thuế làm hai kỳ.

- Cùng nghị viên Ngô Trọng Chí đề nghị với Công sứ Bắc Ninh xin Thống sứ cho chuẩn y trích khoản tiền 5.000 đồng của tỉnh để mở rộng chợ Đáp Cầu năm 1934.

- Cùng nghị viên Nguyễn Trọng Chí thương thuyết với Công sứ tỉnh Bắc Ninh cấp kinh phí để Sở Trị thuỷ và Sở Công chính đắp đoạn đê từ núi Hiền Lương đến núi Vân Phong dài gần 8km để giữ cho khoảng 2000 mẫu ruộng của dân các làng Đồng Sài, An Trạch và Phù Lãng thuộc tổng Phú Lương, huyện Quế Dương (nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) khỏi bị ngập lụt vào cuối năm 1933 đầu năm 1934.

Đối với việc tổ chức họp của Viện dân biểu. Hàng năm, Thống sứ Bắc Kỳ triệu tập toàn thể Viện Dân biểu họp một lần trong thời gian khoảng 10 ngày tại Hà Nội. Phòng họp của Viện tại Nhà Khai Trí Tiến Đức (16 Lý Thái Tổ). Tuy nhiên, theo ông Loan, trong phòng họp, trừ Ban chủ trì, đại diện của chính quyền và nhà báo là có bàn để viết, “còn các nghị viên chỉ có ghế ngồi như ngồi trong rạp hát”, nên khi xem xét sổ dự toán hoặc thảo luận, các nghị viên phải cầm báo cáo trên tay hoặc để lên hai đầu gối làm “trở ngại cho công việc” và làm “mất phong thể và trật tự” của cuộc họp. Trong cuộc họp tháng 11/1932, ông Loan đã làm đơn thỉnh cầu lên chính quyền và phủ Thống sứ đã cho chỉnh đốn lại vào năm 1933.

Về việc xem xét thu chi tại ngân sách Bắc Kỳ : Chất vấn chính quyền về khoản tiền thu thuế thuyền bè đi qua sông Cầu (Bắc Giang) mà không thấy ghi thu vào ngân sách của Tỉnh hoặc của Bắc Kỳ; Chỉ trích chính quyền việc Sở Công chính xây dựng Nhà thương điên ở Vôi quá tốn kém trong lúc “kinh tế khủng hoảng, mỗi vụ dân đóng thuế phải bán đồ đạc, cầm ruộng mà nộp”, đề nghị chính quyền “thể tình cảnh của dân mà chi tiêu tiết kiệm cho ngân sách”.

Trong hồ sơ của ông Loan, chúng tôi thấy có một số “đơn thỉnh cầu” với danh nghĩa của Viện Dân biểu Bắc Kỳ được đánh số theo thứ thứ tự gửi, cùng các lời phúc đáp của Chính quyền Bắc Kỳ. Trong đó có:

- Đơn thỉnh cầu số 1bis tháng 11/1932 của các ông Ngô Thế Loan, Ngô Trọng Chí, Trần Đức Bích, Dương Văn sơn về vấn đề rượu . Nội dung chính là bãi bỏ độc quyền nấu rượu của hãng Fontaine và cho phép “các tiểu nông gia ở các làng được tự do nấu lấy để thêm một công nghệ ích lợi trong lúc mùa màng nhàn rỗi” và “khỏi sinh sự bắt bớ tham nhũng mà biết bao người đã bị tù tội oan ức”. Và người nấu rượu phải lấy môn bài như các hàng hoá khác và phải nộp thuế rượu như quy định của chính quyền.

- Đơn thỉnh cầu số 2 tháng 11/1932 của các ông Ngô Thế Loan, Ngô Trọng Chí, Ngô Tiến Cảnh, Trần Đức Bích về giảm bớt thuế xuất cảng thóc gạo và định lại giá đồng bạc Đông Dương. Theo Ông Loan, thuế xuất gạo xay ở Miến Điện là 0,5$/tạ, còn ở Đông Dương là 1$/tạ, còn đồng bạc Đông Dương có giá là 10fr, nhưng thực giá chỉ 6fr. Tuy chính quyền trả lời “vì hiện tình tài chính mà không thể cho giảm thuế xuất cảng thóc gạo được”, nhưng từ ngày 1/11/1933, thuế xuất cảng đã giảm được ¼.

- Đơn thỉnh cầu số 3 tháng 11/ 1932 của các ông Ngô Thế Loan, Ngô Trọng Chí, Ngô Tiến Cảnh, Trần Đức Bích về việc gia hạn thời gian đổi tiền cũ lấy tiền mới.

- Đơn thỉnh cầu số 13 năm 1933 của các ông Ngô Thế Loan, Ngô Trọng Chí, Trần Đức Bích về việc hạ giá đồng bạc Đông Dương, sửa đổi ngạch thuế thương chính ngày 13/4/1928 và giải quyết bản thương ước của Đông Dương với Trung Hoa để tránh các thứ thuế đặc biệt do các địa phương Trung Hoa đặt ra.

Các thỉnh cầu trên đều không được chính quyền chấp thuận.

- Đơn thỉnh cầu số 14 cuối năm 1933 của các ông Ngô Thế Loan, Ngô Trọng Chí, Trần Đức Bích về việc giảm thuế thân 10% cho toàn xứ Bắc Kỳ năm 1934 do khủng hoảng kinh tế, đời sống dân chúng gặp nhiều khó khăn. Ý kiến trên đã được toàn viện Dân biểu đồng thuận, gửi cho Thống sứ và ngày 31/12/1933, thống sứ Bắc Kỳ Tholance đã ra Nghị định trong đó ghi rõ “giảm bớt 10% gọi là giảm về sự kinh tế khủng hoảng cho dân đinh năm 1934”.

Cũng nói thêm là báo chí thời đó như Ngọ Báo, Trung Bắc, Đông Pháp, Phụ nữ đều phản ánh tương đối đầy đủ các cuộc họp cũng như các thỉnh cầu của các đại biểu và phúc đáp của chính quyền. Xin trích bài của Ngọ Báo, số 1836, ra ngày 15/10/1933 liên quan đến 3 đề nghị của ông Loan trong Đơn thỉnh cầu số 13:

“Ba vấn đề kinh tế rất quan trọng này, hình như nó đứng trên cái trình độ trí thức của bốn phần năm Viện Dân biểu, nên nghe đọc xong lời thỉnh cầu, nhiều ông không hiểu ông Loan định nói gì, con mắt chỉ lờ đờ mà không biết rằng nên ưng hay bỏ. Trái lại một phần năm khác thì hình như đã gặp trúng cơ hội để “tháo’ cái bầu học vấn của mình.

… Kết quả cuộc tranh biện là thêm vào đơn thỉnh cầu của ông Loan một khoản “Mỗi khi có việc tăng hay giảm quan thuế, chính phủ nên hỏi ý kiến của Nghị viện””.

Theo ông Loan, tuy đã đổi tên từ Uỷ ban tư vấn thành Viện Nhân dân đại biểu từ năm 1926, “song vẫn chưa vượt qua phạm vi tư vấn, nên một vấn đề nào được kết quả, ngoài việc đồng viện tán thành lại phải chính phủ chuẩn y mới được”.

*

Ông Ngô Thế Loan năm 1952

Cuối cùng, xin nói vài nét về ông Ngô Thế Loan. Ông sinh ngày 10/8/1898 tại Đáp Cầu, Bắc Ninh. Ông là nhà thầu khoán xây dựng và vận tải đường thuỷ. Năm 1930-1934, ông được giới công thương tỉnh Bắc Ninh bầu làm Nghị viên và được Viện Dân biểu Bắc kỳ cử làm Thành viên dự khuyết tại Hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương. Năm 1935-1945, Ông là Cố vấn Hội đồng thành phố Bắc Ninh. Năm 1942, Ông là người thầu đào nắn đoạn sông Thái Bình ỏ Phả Lại để nước sông Cầu và sông Lục Nam qua sông Kinh Thầy chảy thẳng ra Cửa Cấm nhằm giảm bớt phù sa ở cửa biển Hải Phòng (Báo Xưa và Nay số 101, tháng 10/2001 có bài viết Dự án cảng nước trong của người Pháp cho Hải Phòng của Lưu Đình Tuân về công trình này). Trong Cách mạng Tháng Tám, Ông tham gia giành chính quyền ở Đáp Cầu và Bắc Ninh, được nhân dân bầu là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời (sau đổi là Uỷ ban Hành chính) khu phố Đáp Cầu. Đầu năm 1946, ông được bầu vào Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và được Hội đồng Nhân dân bầu làm chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Bắc Ninh. Ông mất ngày 29/8/1979 tại Hà Nội.

Tài liệu tham khảo :

- Journal officiel de l’Indochine Français (Công báo Đông Dương) ngày 14/4/1926, tr. 995.

- Dương Trung Quốc . – Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945) . – H.: Giáo dục, 2000.

- Viện Nhân dân Đại biểu Bắc Kỳ . - Tờ trình về công việc của M. Ngô Thế Loan, Nghị viên Bắc Ninh, khoá 1930-1934.

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh : tập 1, 1926-1954. - Bắc Ninh, 1998.

     Ngô Chi Linh

Bài đã đăng trên Tạp chí Xưa và nay số 358, tháng 6-2010, tr. 12-14