ia phả họ Ngô Đáp Cầu lần đầu tiên được cụ Lục khoa Tú tài Ngô Thế Mẫn, đời thứ tám, biên soạn vào năm 1830, khi ấy cụ chưa thi Tú tài. Sau đó, từ năm 1874 đến 1877 cụ Cử nhân, Tổng đốc Ngô Trọng Tố, đời thứ 8 viết lời tựa, hệ thống lại các đời từ cụ Thủy Tổ đến các cụ Lục Thế Tổ - Trưởng chi Giáp và Trưởng chi Ất. Đồng thời, cụ soạn tiếp gia phả của chi Ất từ cụ Lục Thế tổ Ngô Trọng Thích đến cụ Ngành trưởng chi Ất Ngô Thế Mẫn. Trong quá trình phát triển, bản Gia phả này còn có các bài viết về cuộc đời của các cụ, các bài văn tế, câu đối, các bức trướng viếng các cụ. Ngoài ra, còn cả bút tích của cụ Ngô Trọng Hương trong phần cuối của bản Gia phả viết về cụ ông Ngô Thế Hinh và cụ bà Nguyễn Thị Đại. Hiện nay, nguyên bản tiếng Hán của cuốn Gia phả này (bản chính) do ông Trưởng chi ất Ngô Thời Suý, đời thứ 13 cất giữ.
Năm 1928, cụ Ngô Thế Loan, đời thứ 12 đã lược dịch bản Gia phả này ra chữ Quốc ngữ. Năm 1965 cụ soạn tiếp các phần của chi Ất và nhánh thứ hai, ngành trưởng chi Ất.
Năm 1976, cụ Ngô Thế Nhài, đời thứ 11 từ các cuốn Gia phả trên đã soạn ra cuốn Gia phả họ Ngô từ cụ Thủy Tổ đến đời 12 của các ngành.
Năm 1997, ông Ngô Thế Hoàng, con trưởng cụ Ngô Thế Loan cũng đã cho xuất bản cuốn Gia phả họ Ngô do thân phụ ông làm trước đây và có bổ sung thêm các đời sau thuộc nhánh thứ hai, ngành Trưởng chi Ất.
Ngoài ra, còn có nhiều cụ, nhiều ông cũng đã biên soạn Gia phả dòng họ, Gia phả của chi, của ngành mình. Phần lớn các bản Gia phả trên đều là các bản viết tay.
Cũng cần nói thêm là Ban Liên lạc họ Ngô toàn quốc đã nhiều lần cho biên soạn và xuất bản Phả họ Ngô ở Việt Nam trong đó có họ Ngô ở Đáp Cầu.
Tới nay, họ Ngô Đáp Cầu ngày càng đông đúc, thịnh vượng, có ngành đã tới đời thứ 16. Con cháu của dòng họ không chỉ cùng chung sống trong làng xưa, mà còn ở mọi miền của Tổ quốc, ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và dù ở đâu, trong tâm trí mỗi người vẫn luôn luôn hướng về nguồn gốc tổ tiên, về quê hương - nơi có nhà thờ họ và mồ mả ông cha. Do vậy, việc bổ sung và biên soạn tiếp cuốn Gia phả họ Ngô ở Đáp Cầu là rất cần thiết.
Từ mấy năm nay, nhiều bản bổ sung của các ngành đã được tập hợp, nhiều tài liệu của dòng họ được sưu tầm phiên dịch, phả của các ngành được nghiên cứu và hoàn chỉnh.
Đi đôi với việc bổ sung, hoàn chỉnh gia phả, các vị cao niên trong họ ta còn để tâm tra cứu sử sách và gia phả các dòng họ Ngô khác trên toàn quốc nhằm làm rõ địa danh Bồ Châu, tương truyền là nơi phát tích của họ Ngô Đáp Cầu. Năm 1993, họ ta đã cử người về khảo ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, xưa là Bồ Châu thuộc Thanh Hoá ngoại trấn, nhưng đáng tiếc ở đây không có chi họ Ngô nào. Nghiên cứu các bản gia phả và theo suy đoán của ông Ngô Vui, Trưởng ban liên lạc họ Ngô Việt Nam, thì cụ Thuỷ tổ Phúc Khánh họ Ngô Đáp Cầu sinh vào khoảng 1610-1620 (đời vua Lê Kính Tông), có tồn nghi cụ Thủy Tổ họ ta có thể là cụ Phúc Khánh của họ Ngô Bái Dương, xã Nam Dương, Nam Trực, Nam Định. Nhưng trong gia phả và trên thực tế không có sự liên lạc giữa hai họ Ngô Đáp Cầu và Bái Dương. Hơn nữa theo tính toán có sự chênh lệch lớn về niên đại.
Đây là vấn đề lớn còn bỏ ngỏ. Rất mong bà con trong họ, nhất là các bậc cao niên, các vị thức giả tiếp tục quan tâm nghiên cứu để có thể làm sáng tỏ nguồn gốc lâu đời của họ Ngô ta trong cây đại thụ hơn ngàn năm tuổi của họ Ngô Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày xây dựng Nhà thờ họ, Ban biên tập Gia phả họ Ngô ở Đáp Cầu, cho ra đời cuốn “Gia phả họ Ngô, Đáp Cầu – Bắc Ninh”. Nội dung có ba phần:
- Phần 1, Giới thiệu: gồm Lời tựa do cụ Ngô Trọng Tố viết năm 1874, Bài tựa của cụ Ngô Thế Loan viết năm 1928, Lời giới thiệu của cụ Ngô Thế Nhài viết năm 1975-1976.
- Phần 2, Gia phả: gồm Gia phả chung của họ từ cụ Thủy tổ Ngô Phúc Khánh đến hai cụ Lục thế tổ (Trưởng chi Giáp và Trưởng chi ất), Gia phả các chi Giáp và chi ất từ đời thứ 6 đến nay.
- Phần 3, Phụ lục: gồm Bia Ngô tộc Từ Đường sự ký, các hoành phi, câu đối tại Nhà thờ họ Ngô, một số ảnh tư liệu và bảng tra cứu.
Cuốn Gia phả này được hoàn thành nhờ có sự giúp đỡ, động viên khuyến khích rất nhiệt tình và hiệu quả của nhiều người trong họ, của các Giáo sư, Tiến sỹ, các nhà nghiên cứu thuộc các Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Sử học, Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam …. Nhân đây, Ban Biên tập Gia phả họ Ngô Đáp Cầu, Bắc Ninh xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
Việc biên soạn chắc chắn còn nhiều thiếu sót hoặc chưa chính xác, mong được bà con trong họ bổ khuyết, chỉ giáo. Ban biên tập hy vọng rằng Gia phả họ Ngô, Đáp Cầu – Bắc Ninh không phụ lòng mong mỏi của mọi người trong họ.
Vài lời thêm về Trang Web Gia phả họ Ngô Đáp Cầu: Cuốn Gia phả trên đã được in từ Mùa Xuân năm Giáp Thân (2004). Cho tới nay, họ ta đã có nhiều thay đổi. Để có thể cập nhật những thay đổi đó, chúng tôi đã xây dựng Trang Web này và mong bà con trong họ góp ý, bổ sung và gửi thêm tư liệu cho chúng tôi theo địa chỉ e-mail: hongodapcaubacninh@yahoo.com
Ban Biên tập