BÁO CÁO CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG HỌ NGÔ VN
TẠI LỄ GIỖ TỔ ĐỨC VUA NGÔ QUYỀN –
ANH HÙNG DÂN TỘC, TỔ TRUNG HƯNG ĐẤT NƯỚC
NHÂN 1073 NĂM NGÀY MẤT CỦA ĐỨC VUA
- Kính thưa quý vị đại biểu
- Kính thưa các vị bô lão hai giới thôn Cam Lâm, xã Đương Lâm
- Kính thưa các cụ và bà con, con cháu nội ngoại họ Ngô
- Kính thưa quý khách thập phương du Xuân vãng cảnh Đền thờ Ngài.
Hôm nay, ngày 18 tháng Giêng năm Đinh Dậu (tức 14/2/2017) là ngày chính kỵ của Đức Vua Ngô Quyền, chúng tôi là con cháu của dòng họ, là hậu duệ của Đức Vua phối hợp cùng với Ban Lễ hội của địa phương tổ chức trọng thể Lễ Giỗ Đức Vua nhân 1073 năm ngày mất của Ngài (18 tháng Giêng năm Giáp Thìn 944 – 18 tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017).
Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Hội đồng họ Ngô Việt Nam, thay mặt hơn hai triệu con cháu họ Ngô cả nước kính chúc các vị đại biểu và bà con có mặt tại đây một năm mới Đinh Dậu tràn đầy sức khỏe và An khang Thịnh vượng.
I- Sơ lược vài nét về thân thế và sự nghiệp của Đức Vua Ngô Quyền
Kính thưa Quý vị đại biểu, kính thưa các cụ và bà con!
Vì hôm nay là ngày chính kỵ của Đức Vua, nên cho phép tôi được ôn lại mấy nét sơ lược về thân thế và sự nghiệp của Ngài, thiết tưởng cũng không phải là thừa.
1- Về năm sinh của Đức Vua:
Theo bản Phả của Họ Ngô do Hán Quốc công Ngô Lan biên soạn năm Đinh Dậu thời Hồng Đức (1477), thì Đức Vua Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897), như vậy Đức Vua thọ 48 tuổi (tính theo kiểu phương Đông) chứ không phải thọ 47 tuổi (tính theo kiểu phương Tây) như sách Toàn thư đã chép.
2- Việc Đức Vua Ngô Quyền chỉ xưng Vương mà không xưng Đế:
Chúng tôi xin nêu bối cảnh lịch sử của việc Đức Vua Ngô Quyền không thỉnh mệnh mà xưng vương để chúng ta cùng suy xét. Đó là thời kỳ đất nước Trung Hoa rối loạn nhất trong lịch sử năm ngàn năm của nước này: Thời Ngũ đại - Thập quốc. Chỉ trong vòng 54 năm từ năm 907 đến 960 mà có đến 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu kế tiếp nhau làm vua, mỗi nhà mấy năm. Ngoài “Ngũ đại” ra còn có “Thập quốc”. Trong số 10 nước thì ở phía Nam Trung Quốc có đến 9 nước cũng sát phạt thôn tính nhau. Trong 9 nước ở phía Nam thì nước mạnh nhất, tồn tại lâu nhất và có chung biên giới với nước ta là Nam Hán; nước mà Đức Vua Ngô Quyền vừa đánh cho đại bại vào cuối năm 938, đến nỗi suốt hơn 30 năm tiếp theo cho đến khi bị diệt vong, không còn dám mơ tưởng tới nước ta nữa.
Trong bối cảnh lịch sử đó, nếu Đức Vua có ý định thỉnh mệnh thì sẽ thỉnh mệnh nước nào? Sang thỉnh mệnh chính vua Nam Hán Lưu Cung, kẻ đã bị Đức Vua giết mất thế tử Lưu Hoằng Tháo vừa mới một tháng trước ư? Hay là vượt qua hàng ngàn cây số lên phía Bắc để thỉnh mệnh Cao Tổ Thạch Kính Đường (936 - 942) của nhà Hậu Tấn - vị vua mà lịch sử Trung Quốc đánh giá là “chẳng khác gì tôi tớ của Khiết Đan”?
Qua đó cho thấy các nhà chép sử nước nhà đã không đọc kỹ sách Thánh hiền lại đi trách nhầm vị anh hùng đã “cứu dân thoát khỏi cát lầm ngàn năm”. Duy có một điều mà ngày nay hậu thế không hiểu được là tại sao Đức Vua lại không đặt niên hiệu?.
3- Về Chiến thắng Bạch Đằng năm 938:
Đó là chiến công oanh liệt nhất của Đức Vua, không chỉ có ý nghĩa là dấu chấm hết ách đô hộ của phong kiến phương Bắc suốt hơn một ngàn năm đối với nước ta, mà còn có ý nghĩa là điểm mở đầu cho nghệ thuật thủy chiến của dân tộc ta. Đúng 350 năm sau trận đánh Bạch Đằng lần thứ nhất ấy, nghệ thuật thủy chiến đó đã được nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn kế thừa và phát huy: Cũng bằng trận địa cọc trên cùng con sông ấy đã tiêu diệt sáu vạn quân xâm lược, kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba năm 1288.
Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938 là “võ công cao cả vang dội đến ngàn thu”, lại không được tôn vinh xứng đáng bằng chiến thắng của Đức Thánh Trần! Chẳng lẽ chỉ vì Đức Vua Ngô Quyền đánh NAM HÁN - là một triều đại chính thống của Trung Quốc; còn Đức Thánh Trần thì đánh NGUYÊN MÔNG?
4- Đức Vua Ngô Quyền và hậu duệ:
Đức Vua Ngô Quyền không chỉ để lại cho hậu thế “võ công cao cả vang dội đến ngàn thu”, mở ra cho đất nước ta một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập tự chủ của nước nhà, mà còn để lại lớp lớp hậu duệ luôn biết giữ gìn những phẩm giá cao đẹp tổ tiên để lại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước mà Ngài đã giành lại được từ tay phong kiến phương Bắc, cả về võ công lẫn văn trị như Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu, Ngô Tuấn-Lý Thường Kiệt,.. Ở bất kỳ thời đại nào, ở bất kỳ thế hệ nào cũng đều có con cháu Ngài biết noi tiên tổ, dám xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự phồn vinh của đất nước. Gần 30 anh hùng, hơn 7000 liệt sĩ họ Ngô trong thời đại Hồ Chí Minh đã minh chứng điều đó.
5- Việc tôn vinh của hậu thế đối với Đức Vua Ngô Quyền:
Khi viết Lời giới thiệu cho cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam xuất bản năm 2003, Anh hùng lao động-Nhà Văn hóa Việt Nam-Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giáo sư Vũ Khiêu đã nhận xét: “Như đối với Ngô Quyền chẳng hạn, chúng ta chưa đặt được vào một vị trí lịch sử xứng đáng hơn, chưa làm nổi bật lên vai trò của người anh hùng dân tộc đã chính thức kết thúc một ngàn năm sống và chiến đấu gian khổ dưới ách thống trị của phương Bắc, người đã với chiến công oanh liệt của mình mở đầu cho thời kỳ độc lập tự cường chủ dân tộc”. Và “về mặt tưởng niệm cũng chưa có công trình nào đáng kể về xây dựng đền đài, lăng miếu ngang tầm với danh nhân khác”.
Từ khi thành lập Ban liên lạc Họ Ngô Việt Nam năm 1986, nay là Hội đồng Họ Ngô Việt Nam luôn hết sức trăn trở đến vấn đề ấy và đã cố gắng làm được một số việc:
5.1 Chủ động đề xuất việc tôn tạo Đền và Lăng Đức Vua ở Đường Lâm: tự bỏ tiền lập dự án; khi dự án được phê duyệt, cam kết sẽ đóng góp 1/3 kinh phí tính tròn là 10 tỷ VNĐ để thực hiện dự án. Dự án về cơ bản đã hoàn thành, thực trạng khu nội tự khang trang như quý vị đang mục sở thị. Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử Đường Lâm cũng như bà con địa phương đều đánh giá là nếu không có Họ Ngô thì không thể có Đền thờ và Lăng mộ Đức Vua như hiện nay. Đó là một sự đánh giá khách quan.
5.2 Phối hợp với nhiều cơ quan của Trung ương và Hà Nội, tổ chức Hội thảo Khoa học “Ngô Quyền với Cổ Loa” để khẳng định triều đại Nhà Ngô là một triều đại chính thống của Lịch sử Việt Nam, việc Đức Vua Ngô Quyền định đô tại Cổ Loa –kinh đô xưa của nhà nước Âu Lạc là khẳng định triều đại nhà Ngô là sự nối tiếp của nhà nước Âu Lạc trong lịch sử mấy ngàn năm của đất nước ta. Hội thảo được tổ chức tại Đông Anh, Hà Nội vào tháng 4 năm 2014 có nhiều nhà khoa học đầu ngành tham dự, đặc biệt Giáo sư Vũ Khiêu đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng. Sau đó Giáo sư còn viết một bức thư tâm huyết gửi đến các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước và Hà Nội về vấn đề mà Giáo sư đã trăn trở bấy lâu nay.
Bức thư tâm huyết của Giáo sư Vũ Khiêu đã được gửi đến đúng các địa chỉ cần đến và đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía Hội đồng Tư vấn Khoa học Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long do ông Nguyễn Đức Chung-Chủ tịch TP. Hà Nôi làm Chủ tịch Hôi đồng. Ông Nguyễn Đức Chung đã kết luận: “Giao cho Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tìm địa điểm thích hợp để xây dựng Đền Thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa”.
Đó là kết quả bước đầu của cả một quá trình không mệt mỏi của Giáo sư Vũ Khiêu và con cháu dòng họ Ngô rất đáng được khích lệ và tôn vinh.
II- Sơ lược vài nét về các mặt hoạt động của dòng họ Ngô trong năm 2016.
Năm 2016 là một năm hoạt động sôi nổi, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lòng con cháu của dòng họ cũng như dân chúng các nơi được chứng kiến những việc làm của HĐ HNVN. Có thể tóm tắt mấy nét khái quát như sau:
1-Tích cực thu thập Gia phả các dòng họ Ngô trong cả nước để hoàn chỉnh Bản thảo PHHN tái bản lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung.
Bản Phả gồm 2 tập: Tập I dành cho các họ đã nối thông tới Khởi tổ Ngô Nhật Đại gồm 210 chi họ với 800 trang; nếu tính cả phần phụ lục gồm Danh sách Liệt sĩ và tư liệu gốc thì phải hơn 1000 trang. Tập II dành cho 220 chi họ chưa nối được tới Khởi tổ với 994 trang; nếu tính cả phần Phụ lục thì phải đến 1200 trang.
Trong các chi họ có Gia phả được biên tập vào Phả Hệ lần này, có thể nói là do HĐHN chủ động tìm kiếm, chứ không phải từ phía các chi họ.
2-Tiếp tục thực hiện theo định hướng của HĐHN là quan tâm đến các hoạt động tâm linh nhằm suy tôn các bậc tổ tiên cũng như dòng họ, chi họ có công với dân với nước như việc hỗ trợ họ Ngô Trảo Nha (Can Lộc, Hà Tĩnh) để được công nhận Kỷ lục Việt Nam họ có 18 vị Quận công; đang xúc tiến việc đăng ký xác lập Kỷ lục khác là họ có 10 vị đỗ đại khoa. Chú trọng việc tìm kiếm mộ Tổ thất lạc: như việc hoàn tán di hài Đại tướng Ngô Tôn Tư-chú ruột đức Vua Ngô Quyền ở Hưng Hà, Thái Bình; việc thẩm định mộ của Sử quan Ngô Sĩ Liên. Tuy nhiên, việc tâm linh là việc liên quan đến người âm thì phải do người âm quyết mới được. Xin đừng ai nghĩ rằng dự định liên quan đến người âm chưa thực hiện được là chuyện “đánh trống bỏ dùi”.
HĐHN cũng tích cực giúp đỡ các chi họ trong việc tư vấn về hoành phi, câu đối khi xây dựng Từ đường.
3- Khắc phục sự yếu kém trong hoạt động dòng họ Ngô lâu nay, năm qua HĐHNVN đã tổ chức thành công Đại hội thành lập họ Ngô Hà Nội, thí điểm thành lập Hôi đồng họ Ngô khu vực Đông Anh-Sóc Sơn, tích cực giúp đỡ các HĐ địa phương đó hoạt động để rút kinh nghiệm thành lập các HĐHN địa phương khác trong thời gian tới.
4- Các công việc thường xuyên trong hoạt động dòng họ là việc tham dự các ngày giỗ tổ, khánh thành từ đường các dòng họ vẫn được chú trọng thực hiện. Trong năm 2016, HĐHNVN đã 24 lần, tức bình quân mỗi tháng 2 lần về tham dự các ngày lễ ở các chi họ Ngô cũng như các địa phương có thờ các bậc tiên liệt họ Ngô như về Phú Duy xã An Tiến Huyện Mỹ Đức Hà Nội tham dự Lễ Giỗ sứ quân Ngô Xương Xí; có thể nói đó là một sự cố gắng lớn trong điều kiện nhân lực và tài chính hạn chế.
III- Sơ lược vài nét chính trong hoạt động của dòng họ Ngô trong năm 2017.
1-Tiếp tục hoàn chỉnh bản thảo PHHN để cuối năm 2017 xuất bản nhằm phục vụ Đại hội Họ Ngô lần thứ X vào đầu năm 2018.
2- Tích cực hưởng ứng và vận động bà con đóng góp công sức, tiền của trong việc xây dựng Đền thờ Lý Thường Kiệt ở Bắc Ninh, ngay tại phòng tuyến sông Như Nguyệt (tức Sông Cầu) để chống lại sự xâm lược của nhà Tống và đã giành toàn thắng vào năm 1076 khiến Tể tướng nhà Tống Vương An Thạch buộc phải từ chức và ôm hận mà chết chỉ sau đó mấy tháng.
3-Tiếp tục các công việc còn dở dang như việc hoàn táng di hài Đại tướng Ngô Tôn Tư, cũng như việc thẩm định mộ của sử thần Ngô Sĩ Liên.
4- Hoàn thành atlas họ Ngô theo từng tỉnh thành, nhằm giúp các địa phương thành lập HĐHN của địa phương mình.
5-Tìm nhân lực cho bộ phận biên tập Website ngotoc.vn
6- Hoàn chỉnh mẫu nhà thờ, từ đường theo phong cách kiến trúc từng miền: Bắc-Trung-Nam, giúp các chi họ dòng họ dễ dàng lựa chọn mẫu nhà thờ, từ đường thích hợp.
7- Củng cố hoạt động của Hội Doanh nhân họ Ngô và của các HĐHN vừa thành lập.
8- Nghiên cứu các công việc cần thiết để tiến tới thành lập các HĐHN một số các địa phương trọng tâm như khu vực phía Nam, hoặc các địa phương có điều kiện như Hưng Yên,..
9-Tiếp tục tìm hiểu xác minh tư liệu để lập phả đồ cho dòng họ của Hoàng giáp Ngô Kính Thần vừa mới tìm thấy sau nhiều năm tìm kiếm và họ Ngô Thôn Đìa xã Nam Hồng huyện Đông Anh, Hà Nội, tồn nghi là hậu duệ của Tiến sĩ Ngô Diễn-con trưởng Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu từ trước đến nay chưa biết ở đâu?
10-Cố gắng làm tốt công việc thường xuyên không hoạch định trước là tham dự các ngày lễ trọng cuả các chi họ, dòng họ.
Kính thưa Quý vị đại biểu, Kính thưa các Cụ và bà con, trên đây chúng tôi đã thay mặt HĐHNVN báo cáo qua mấy nét lớn công việc đã làm trong năm 2016 và những định hướng hoạt động trong năm 2017 để quý vị và con biết, rất mong được sự góp ý của quý vị đại biểu và bà con để cho việc hoạt động của dòng họ Ngô đi đúng hướng nhằm kết nối các chi, dòng họ cũng như con cháu họ Ngô cả nước thành một khối đủ sức mạnh về trí tuệ cũng như tiềm lực tài chính nhằm phục vụ tốt nhất cho việc phụng sự tổ tiên dòng tộc.
Thay mặt HĐHNVN xin cảm ơn sự hiện diện của quý vị, của các ụ và bà con.
Hà Nội, ngày 14 tháng 2 năm 2017
Hội đồng họ Ngô Việt Nam